Thứ Năm, ngày 11/01/2024, 01:39

Thực hiện chủ trương của Đảng về khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh

ThS Lê Quốc
Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) - Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng”(1), chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các công ty, các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh. Bài viết làm rõ vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự đổi mới trong nhận thức và thực tiễn phát triển doanh nghiệp tư nhân trong thời kỳ đổi mới. Từ đó, đề xuất giải pháp phát triển các công ty và tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao trong những năm tiếp theo.

 

Trong những năm gần đây, một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn đã tham gia đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có tác động mạnh đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước - Ảnh: baodauthau.vn

Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) là tổ chức kinh tế dựa trên sở hữu tư nhân. Với những hoạt động năng động và hiệu quả trong nền kinh tế thị trường, DNTN có đóng góp to lớn trong phát triển các nền kinh tế trên thế giới. Hiện nay, ở các nền kinh tế thị trường, DNTN đã phát triển rất mạnh mẽ, hiệu quả, không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia mà đã và đang vươn tầm quốc tế. Nhiều tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia chiếm thị phần kinh tế to lớn trong nền kinh tế thế giới. Ở các nền kinh tế phát triển, DNTN chiếm thị phần tuyệt đối trong tổng số các doanh nghiệp. Ở Việt Nam, thực hiện kinh tế thị trường định hướng XHCN, việc phát triển các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh là tất yếu khách quan và thực tiễn đã minh chứng vai trò của DNTN trong phát triển kinh tế - xã hội.

1. Phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Ở Việt Nam, thực hiện kinh tế thị trường định hướng XHCN, DNTN đã thể hiện trên thực tế là một động lực quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, là thành phần kinh tế có tỷ lệ đóng góp ngày càng cao vào GDP, vào thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần to lớn vào tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội.

Vai trò quan trọng của DNTN thể hiện ở các góc độ: huy động được nhiều nguồn lực xã hội vào sản xuất, kinh doanh; là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội; tạo ra các cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người dân; tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, làm gia tăng tổng sản phẩm quốc dân; góp phần làm cho nền kinh tế phát triển năng động hơn; góp phần quyết định đến sự thành công của nền kinh tế thị trường...

Kinh tế tư nhân, trong đó có DNTN là thành phần cốt lõi, nền tảng tạo nên nền kinh tế thị trường, là điều kiện cần và đủ để tạo nên thị trường. Không có thị trường thì DNTN không thể phát triển, ngược lại không có DNTN thì cũng không có nền kinh tế thị trường phát triển đầy đủ và hiện đại. Thị trường và DNTN là hai yếu tố phụ thuộc, tác động lẫn nhau, cùng tồn tại và phát triển hoặc cùng mất đi. Do vậy, chỉ có phát triển DNTN một cách mạnh mẽ thì nền kinh tế thị trường mới thực sự trở thành thị trường, nếu không sẽ là thị trường méo mó, không hoàn chỉnh.

Qua hơn 36 năm đổi mới, tư duy lý luận và quan điểm của Đảng ta về các thành phần kinh tế nói chung, về DNTN nói riêng đã từng bước đổi mới, phát triển, hoàn thiện phù hợp với quy luật và thực tiễn khách quan. DNTN từ chỗ không được phép tồn tại nay đã được Đảng ta khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong nền kinh tế này, DNTN phục vụ nhân dân và toàn xã hội, với mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh”. Trong CNXH, DNTN là công cụ phục vụ nhân dân, làm cho đất nước trở nên giàu mạnh.

Thực tế đã khẳng định, DNTN ra đời, tồn tại và phát triển trong tất cả các nền kinh tế thị trường nói chung và trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nói riêng. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, DNTN tồn tại và phát triển với những đặc điểm riêng như: DNTN là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế và cùng với kinh tế tập thể, kinh tế nhà nước là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ; DNTN cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và hợp tác, phát triển lâu dài với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong công cuộc xây dựng CNXH. Theo đó, DNTN được phát triển trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm; DNTN cũng như các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác chịu sự quản lý, định hướng, điều tiết của Nhà nước pháp quyền XHCN, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong điều kiện nhân dân làm chủ nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, bảo đảm thực hiện tốt định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Trong tiến trình đổi mới, vai trò quan trọng của DNTN ngày càng được khẳng định: kinh tế tư nhân, trong đó có DNTN, là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; góp phần giải phóng sức sản xuất, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế; góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; góp phần quan trọng giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, tăng nguồn thu ngân sách; góp phần thực hiện quyền dân chủ về kinh tế của người dân, làm sâu sắc hơn tính ưu việt của CNXH.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03-6-2017 “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Đây là Nghị quyết quan trọng xác định chính thức vị trí, vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tư nhân, trong đó có DNTN trong nền kinh tế quốc dân. Nghị quyết xác định “Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”(2).

Nghị quyết cũng đã đề ra những mục tiêu cụ thể: “Đến năm 2020, có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến năm 2020 tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%; năng suất lao động tăng khoảng 4 - 5%/năm(3).

Thực hiện quan điểm, chủ trương về phát triển kinh tế tư nhân trong thời kỳ đổi mới đã tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tiếp tục nhất quán chủ trương đề cao vai trò của kinh tế tư nhân, Đại hội XIII đã đề ra phương hướng: “Tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, lớn mạnh về quy mô, nâng cao về chất lượng(4).

Đại hội xác định nhiệm vụ thống nhất thực hiện hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế, phát triển kinh tế thi trường định hướng XHCN, trong đó, nhấn mạnh: “kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, được hỗ trợ phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao”(5)

Đồng thời, Đại hội định hướng một số giải pháp phát triển DNTN: “khuyến khích doanh nghiệp tư nhân hợp tác, liên kết với doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, kinh tế hộ; phát triển các công ty cổ phần có sự tham gia rộng rãi của các chủ thể xã hội, nhất là người lao động”(6).

Thực tế đến năm 2022, trong nền kinh tế Việt Nam chưa có được 1 triệu DNTN. Các thống kê cho thấy, hiện DNTN chiếm khoảng 98% tổng số trên 800 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng khoảng 85% tổng số lao động cả nước (7)

Trong 4 tháng đầu năm 2023, các DNTN Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Theo Tổng cục Thống kê, có tới 77 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và chỉ có 78,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số liệu này cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2023, cả nước chỉ tăng thêm 1,9 nghìn doanh nghiệp trong nền kinh tế. Đây là con số quá nhỏ so với yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Do vậy, tại lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống VCCI, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá: “Doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân vẫn còn những hạn chế, bất cập về kiến thức, sự am hiểu pháp luật, năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, khả năng cạnh tranh và hội nhập. Một bộ phận doanh nhân thiếu văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội, chưa tự giác tuân thủ pháp luật; vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm đã thỏa hiệp, thậm chí cấu kết với những phần tử thoái hóa, biến chất trong bộ máy quản lý nhà nước làm phát sinh thêm các tiêu cực xã hội”(8).

Các văn kiện của Đảng đã nêu rõ chủ trương về phát triển mạnh DNTN thành công ty, tập đoàn kinh tế lớn mạnh. Đó thực sự là một chủ trương sáng suốt và đúng đắn. Tuy nhiên, hiện nay DNTN ở Việt Nam có thể trở thành công ty, tập đoàn kinh tế lớn còn chưa nhiều (theo ước tính mới có khoảng 0,003% DNTN trở thành công ty và tập đoàn kinh tế lớn)(9)...

Có rất nhiều khó khăn và rào cản đang làm cho các DNTN Việt Nam khó phát triển lớn mạnh, trong đó gồm cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan, đặc biệt là những khó khăn ở thể chế và cơ chế hành chính. Hơn nữa, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của các DNTN Việt Nam. Ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, cả cung và cầu sản phẩm. Một số yếu tố tác động quan trọng hiện nay như: kỳ vọng của người tiêu dùng, dữ liệu/thông tin sản phẩm, hợp tác đổi mới và các mô hình hoạt động mới, các dịch vụ và mô hình kinh doanh, độ tin cậy và năng suất liên tục, an toàn công nghệ thông tin, an toàn trong hoạt động của cơ khí, vòng đời sản phẩm, chuỗi giá trị công nghiệp, giáo dục và kỹ năng lao động cho công nhân.

2. Một số giải pháp phát triển doanh nghiệp tư nhân thành các công ty và tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh

Một là, sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội thúc đẩy phát triển DNTN. Do đó, cần thống nhất nhận thức về sự cần thiết phải phát triển mạnh mẽ DNTN thành các công ty và các tập đoàn kinh tế tư nhân, có sức cạnh tranh cao. Cụ thể là: coi phát triển DNTN là yêu cầu tất yếu khách quan của nền kinh tế Việt Nam; kinh tế tư nhân, trong đó có DNTN là động lực quan trọng phát triển nền kinh tế; phát triển DNTN là trách nhiệm của Nhà nước và toàn xã hội; hội nhập quốc tế và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, công nghệ cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào DNTN để DNTN sớm trở thành công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân lớn.

Thực tế cho thấy, cách quản lý cũ vẫn còn trong tư duy, nhận thức của nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý nên trong thực tế đã có nhiều hành vi, biện pháp cản trở sự phát triển của DNTN.

Hai là, có cơ chế khuyến khích mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ DNTN đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới, sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nền kinh tế số, xã hội số đang mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho việc phát triển DNTN Việt Nam. Để phát triển thành công trong nền kinh tế số, xã hội số thì DNTN không thể không đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thực hiện cơ cấu công nghệ kết hợp nhiều trình độ, tiếp nhận chuyển giao công nghệ cao là chính, đi thẳng vào công nghệ hiện đại đối với các ngành mũi nhọn. Lựa chọn các công nghệ thích hợp không gây ô nhiễm và cho phép khai thác lợi thế về lao động. Tăng cường khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến, hiện đại nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Chú trọng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. 

Cùng với khuyến khích ứng dụng công nghệ số, cần tăng cường hỗ trợ DNTN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các phương pháp và các công cụ về kinh doanh trực tuyến để tìm kiếm thông tin thị trường, ngành hàng tiềm năng và các chuẩn mực quốc tế, trên cơ sở đó, các doanh nghiệp định hướng và xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn. Hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết theo chiều ngang và chiều dọc nhằm tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhà đầu tư nước ngoài và thị trường quốc tế.

Ba là, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng đủ số lượng, cơ cấu, chất lượng, chú trọng xây dựng đội ngũ doanh nhân vững mạnh. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, cần xây dựng chính sách khuyến khích DNTN tham gia đầu tư vào các cơ sở đào tạo, nhất là thu hút các trường đại học trong nước, quốc tế có uy tín mở phân hiệu đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề và phổ thông nhằm chủ động, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Đổi mới chính sách thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Có cơ chế, chính sách tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trực tiếp tham gia đào tạo nghề từ việc xây dựng chương trình, tiêu chuẩn kỹ năng và là nơi thực hành cho lao động học nghề, cấp học bổng cho người học. Cải cách mạnh mẽ giáo dục, tiếp thu tinh hoa trí tuệ nhân loại để đào tạo và sử dụng nhân tài.

Bốn là, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thúc đẩy phát triển DNTN. Đây là giải pháp đặc biệt quan trọng để DNTN phát triển. Cụ thể là: bảo đảm ổn định kinh tế, chính trị và xã hội để DNTN phát triển thuận lợi; đẩy nhanh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN để sớm có thị trường đồng bộ, hiện đại và hội nhập; đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng hiện đại và phù hợp với thông lệ quốc tế; tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; phát triển đầy đủ, đồng bộ và hiện đại các loại thị trường để DNTN phát huy được sức mạnh và lợi thế của mình; đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tháo gỡ mọi rào cản, vướng mắc đang cản trở sự phát triển của các loại thị trường, đặc biệt là loại bỏ mọi tàn dư của thể chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp.

Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân. Để phát triển các công ty, các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh rất cần tăng cường sự lãnh đạo sâu sát của Đảng trong thực tế. Những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng tạo cơ sở chính trị thuận lợi mở đường cho DNTN phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước tạo thể chế kinh tế thuận lợi để doanh nghiệp phát triển và người dân làm giàu. Phát huy cao độ sự làm chủ của nhân dân, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội nghề nghiệp, hạn chế những tiêu cực, yếu kém, giúp các doanh nghiệp phát triển. Cụ thể là quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ của người dân và của các chủ doanh nghiệp được pháp luật bảo vệ, không còn có hiện tượng áp đặt, cưỡng chế hoặc gây phiền hà, khó khăn cho DNTN phát triển.

(theo lyluanchinhtri.vn)

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 545 (tháng 7-2023)

Ngày nhận bài: 03-5-2023; Ngày bình duyệt: 17-7-2023; Ngày duyệt đăng: 24-7-2023.

(1), (4), (5), (6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.129, 45, 130, 130.

(2), (3) Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03-6-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

(7) Doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt sự tăng trưởng, https://vietnamnet.vn, truy cập ngày 9-5-2023.

(8) Diễn văn của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống VCCI, https://vccinews.vn/news, truy cập ngày 26-4-2023

(9) Số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2022 và theo tính toán của tác giả.

Tin liên quan

Đọc thêm

Phát huy “Hào khí” Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới

Tác giả: Nguyễn Văn Nghĩa

(GDLL) - Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chiến dịch Điện Biên Phủ (13-3 đến 7-5-1954) đã giành thắng lợi vang dội, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, góp phần đưa hội nghị Giơ-ne-vơ đến thành công; là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến dịch Việt Nam. Từ “hào khí” chiến thắng Điện Biên Phủ, bài viết gợi mở những nội dung phát huy "hào khí" đó vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Tính độc đáo của nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”

Tác giả: Bùi Giang Nam

(GDLL) - Trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nền đối ngoại, ngoại giao (bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân) luôn giữ một vai trò hết sức quan trọng. Trên cơ sở phân tích đường lối đối ngoại của Việt Nam thời kỳ đổi mới và những thành tựu đã đạt được, bài viết làm sáng tỏ tính độc đáo của nền ngoại giao Việt Nam hiện nay, đó là nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”.

Nâng cao phúc lợi xã hội cho nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII

Tác giả: TS. Đỗ Văn Quân - ThS. Nguyễn Trọng Tuân

(TG) - Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh, một trong những giải pháp để bảo đảm cho sự tiến bộ và công bằng xã hội trở thành hiện thực trên đất nước ta là thực hiện tốt phúc lợi xã hội.

Nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Tác giả: Nguyễn Mai Phương

(GDLL) - Thế giới đã và đang chứng kiến những thay đổi to lớn về mặt khoa học, công nghệ do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Bài viết nghiên cứu về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những yêu cầu đặt ra đối với nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay; Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng của nguồn nhân lực Việt Nam trước yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về an ninh mạng quốc gia và bảo vệ an ninh mạng quốc gia thời kỳ mới

Tác giả: Nguyễn Văn Nghĩa

(GDLL) - Bảo vệ chủ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia trên không gian mạng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ là nhiệm vụ rất quan trọng, có tầm chiến lược. Phòng, chống tấn công mạng, tội phạm mạng và ứng phó với những nguy cơ mới đến từ không gian mạng đã trở thành vấn đề toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Bài viết đi sâu khái quát quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về an ninh mạng quốc gia và đề xuất một số giải pháp chủ yếu thực hiện có hiệu quả quan điểm của Đảng về an ninh mạng và bảo vệ an ninh mạng quốc gia thời kỳ mới.