Thứ Hai, ngày 01/04/2024, 00:52

Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân

Ngô Hảo Nhi
Học viện Chính trị khu vực I

(GDLL) - Giữ vững bản chất giai cấp công nhân, kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân là hai nhiệm vụ có mối quan hệ chặt chẽ, đặt ra thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài viết nhận diện các luận điệu sai trái, lệch lạc và đưa ra các luận cứ, luận chứng cùng thực tiễn nhằm đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân trong giai đoạn hiện nay.

Hội thảo phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước khu vực miền Bắc

(ảnh minh họa từ Thông tấn xã Việt Nam news.vnanet.vn)

Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, các thế lực thù địch, phản động tăng cường chống phá trên mặt trận tư tưởng, lý luận, trong đó có sự xuyên tạc, phủ nhận bản chất giai cấp công nhân Việt Nam. Vì vậy, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời, bảo vệ bản chất giai cấp công nhân Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

1. Nhận diện các luận điệu sai trái, xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản Việt Nam

Luận điệu thứ nhất, Hiện nay các thế lực thù địch cho rằng, "Đảng Cộng sản Việt Nam không còn là Đảng mang bản chất giai cấp công nhân, mà là Đảng của nông dân và trí thức. Bởi vì, nhìn vào đội ngũ đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay chủ yếu là nông dân và trí thức, còn giai cấp công nhân chiếm số lượng rất ít. Vì thế, tính giai cấp công nhân trong Đảng rất ít và mang đậm dấu ấn của giai cấp tiểu tư sản. Ngoài ra, còn chịu ảnh hưởng nặng nề của xã hội phong kiến, nên giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản Việt Nam không thể lãnh đạo thành công sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".

Luận điệu thứ hai, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”[1, tr.88] với cách diễn đạt về bản chất giai cấp công nhân của Đảng như vậy, nhưng chúng lại cho rằng là đang hạ thấp bản chất giai cấp công nhân của Đảng, là trượt sang quan điểm “đảng phi giai cấp”, “đảng toàn dân”,...

Luận điệu thứ ba, "chúng viện dẫn thực tế tỷ lệ đảng viên hiện nay là công nhân trong Đảng không cao và việc Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện chủ trương kết nạp các chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng, một số người cho rằng bản chất giai cấp công nhân của Đảng sẽ thay đổi, Đảng Cộng sản sẽ dần thành đảng cải lương, đảng tư sản..."

Luận điệu thứ tư, "chúng cho rằng, trong điều kiện đổi mới và phát triển kinh tế thị trường, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã làm cho Đảng biến chất, không còn mang bản chất giai cấp công nhân".

2. Luận cứ đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân của Việt Nam

Chúng ta cần nhận thức rõ, bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản là để chỉ ý thức hệ tư tưởng của Đảng, mục tiêu lý tưởng, tính cách mạng, tính tiên tiến của Đảng Cộng sản chứ không phải để chỉ xuất thân giai cấp của đảng viên.

Trước hết, về bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ ngày thành lập đến nay, dù đổi tên nhiều lần, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam không thay đổi bản chất giai cấp công nhân. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân để thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người... Khẳng định bản chất giai cấp công nhân của Đảng có nghĩa là khẳng định lập trường của Đảng là lập trường của giai cấp đại biểu cho phương thức sản xuất tiên tiến và xu thế phát triển của thời đại. Việc giữ vững bản chất giai cấp công nhân luôn được Đảng ta khẳng định qua các kỳ đại hội, gần đây nhất là Đại hội XIII, với yêu cầu: “Giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng”[2, tr.80].

Thực tiễn cho thấy, giai cấp công nhân Việt Nam vừa có đặc điểm của giai cấp công nhân quốc tế, vừa có tính đặc thù của dân tộc, chủ yếu xuất thân từ nông dân, chịu áp bức bóc lột của chế độ thực dân và phong kiến. Sinh thời, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Có người nói: Giai cấp công nhân Việt Nam số người còn ít, không lãnh đạo được cách mạng. Nói vậy không đúng. Lãnh đạo được hay là không, là do đặc tính cách mạng, chứ không phải do số người nhiều ít của giai cấp”[6, tr.257].

Thứ hai, với cách diễn đạt như trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) là hoàn toàn đúng đắn, chứ không phải hạ thấp hay từ bỏ bản chất giai cấp công nhân của Đảng, trượt sang “đảng phi giai cấp”, “đảng toàn dân”... như luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Bởi vì, về lý luận, đây không phải là lần đầu tiên Đảng ta khẳng định điều này. Trước đó, trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ II của Đảng (1951) đã khẳng định: “Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việ̣t Nam”[5, tr.41]. Trong bài nói chuyện ở Trường Cán bộ Công đoàn (1-1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong của dân tộc”[7, tr.477]. Việc khẳng định bản chất giai cấp công nhân của Đảng được thể hiện ở chỗ: nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng là tập trung dân chủ, liên hệ mật thiết với nhân dân, đoàn kết thống nhất trong Đảng, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, lấy tự phê bình và phê bình làm quy luật phát triển.

Về thực tiễn, không có bất kỳ một đảng chính trị nào ra đời, tồn tại và phát triển đều không mang bản chất của một giai cấp nhất định. Chính bản chất giai cấp của đảng quy định đảng đó đại diện cho lợi ích của giai cấp, tầng lớp nào trong xã hội. Còn giai cấp công nhân có sứ mệnh xóa bỏ chế độ áp bức, bóc lột, xây dựng thành công chế độ xã hội chủ nghĩa, đại biểu cho lợi ích của giai cấp và đại đa số nhân dân lao động. Khác với sự ra đời của Đảng Cộng sản ở các nước tư bản - đó là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân. Điều kiện, đặc điểm ra đời, tồn tại và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam có tính đặc thù, độc đáo đó là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Điều đó đã khẳng định, ngay từ khi ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất của giai cấp công nhân, đồng thời đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam.

Do đó, với khẳng định trên chẳng những không hạ thấp bản chất giai cấp công nhân của Đảng, không trượt sang quan điểm “đảng phi giai cấp”, “đảng toàn dân” mà còn giúp hiểu bản chất giai cấp công nhân đầy đủ hơn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng viết: “Đảng ra đời, tồn tại và phát triển là vì lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc. Khi Đảng cầm quyền, lãnh đạo cả dân tộc, được toàn dân thừa nhận là đội tiên phong lãnh đạo của mình và do đó Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Nói như vậy không có nghĩa là hạ thấp bản chất giai cấp của Đảng, mà là thể hiện sự nhận thức bản chất giai cấp của Đảng một cách sâu sắc hơn, đầy đủ hơn, vì giai cấp công nhân là giai cấp có lợi ích thống nhất với lợi ích của Nhân dân lao động và toàn dân tộc”[8, tr.2].

Với cách diễn đạt như trên vừa thể hiện bản chất giai cấp công nhân của Đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin, vừa nói lên nét đặc thù của Đảng theo sự phát triển sáng tạo của Hồ Chí Minh, vừa phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng, tình cảm của Nhân dân - với tên gọi trìu mến “Đảng ta”

Thứ ba, vấn đề thành phần giai cấp trong Đảng được đặt ra và Đảng ta đã có chủ trương giải quyết mối quan hệ này. Một Đảng được hình thành và phát triển ở một nước nông nghiệp lạc hậu, thuộc địa phong kiến, lực lượng công nhân còn nhỏ bé, giai cấp nông dân và các giai cấp, tầng lớp xã hội khác chiếm phần lớn trong dân cư thì đảng viên xuất thân là giai cấp công nhân sẽ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số đảng viên của Đảng. Tại Đại hội IV của Đảng (năm 1976) đã chỉ rõ: “Thành phần xã hội xuất thân của đội ngũ cán bộ, đảng viên tuy không phải là yếu tố duy nhất hoặc là yếu tố chủ yếu, nhưng rất quan trọng, vì nó góp phần bảo đảm tính chất giai cấp công nhân của Đảng, có ảnh hưởng không nhỏ đến sức chiến đấu, đến sự trong sạch về tư tưởng và tổ chức của Đảng”[4, tr.780-781]. Tính đến ngày 30-9-2020, Đảng ta đã kết nạp 6.652 chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng[3, tr.189]. Hầu hết những đảng viên này đều chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; nhất là chính sách thuế và trách nhiệm tạo việc làm, chăm lo đời sống công nhân và các hoạt động xã hội khác. Đây là sự bổ sung, phát triển sáng tạo, phù hợp với bối cảnh cụ thể của Việt Nam về vấn đề thành phần giai cấp trong Đảng.

Tính đa dạng về thành phần giai cấp trong đội ngũ đảng viên của Đảng ta hiện nay là tất yếu nhằm phát huy tất cả nguồn lực con người và tăng cường nhân tài cho Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Việc phát triển đội ngũ đảng viên đa dạng về thành phần giai cấp, tầng lớp trong xã hội, không hẹp hòi, định kiến, nhưng phải thận trọng, chắc chắn, coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, bảo đảm chặt chẽ về điều kiện, nguyên tắc và thủ tục nhằm ngăn chặn những kẻ cơ hội, nhất là cơ hội chính trị, tìm cách trà trộn các tổ chức Đảng. Đồng thời, phải thường xuyên tăng cường giáo dục, rèn luyện, giác ngộ về sứ mệnh lịch sử và bản chất của giai cấp công nhân cho đội ngũ đảng viên, chú trọng phát huy tính tiên phong, gương mẫu và danh dự của người đảng viên cộng sản trong tình hình mới.

Thứ tư, hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả một số đảng viên, cán bộ chủ chốt, cấp cao yếu kém về phẩm chất và năng lực; thiếu tính chiến đấu và tinh thần bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; một số có biểu hiện bất mãn, mất lòng tin, nói và làm trái với quan điểm, đường lối của Đảng, vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước. Bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân có chiều hướng gia tăng; vẫn còn tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội”, “chạy bằng cấp”.

Thoái hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu và xa dân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, nhất là trong các cơ quan công quyền, các lĩnh vực xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý doanh nghiệp nhà nước và quản lý tài chính... Đây là thực tế đau lòng, đã làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Đảng cũng thừa nhận rằng, đó là một nguy cơ lớn, liên quan đến sự sống còn của Đảng và chế độ. Điều này là trái với bản chất giai cấp công nhân của Đảng, đã từng được các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin cảnh tỉnh về nguy cơ của một đảng cầm quyền là dễ dẫn đến kiêu ngạo, quan liêu, xa rời quần chúng.

Nhìn lại giai đoạn 1989-1991 ở một số nước xã hội chủ nghĩa cho thấy rằng, giai cấp công nhân khi đã giành được chính quyền, nhưng do không quan tâm xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, bảo đảm tính tiên phong của giai cấp công nhân nên đã làm cho đội ngũ phân hóa phức tạp; một bộ phận đảng viên mơ hồ về lập trường giai cấp công nhân, dễ dàng ngã theo phái cơ hội chủ nghĩa. Một số khác gần như là một đẳng cấp có đặc quyền, đặc lợi, xa rời quần chúng và bị quần chúng xa lánh. Vì vậy, nhiều đảng đã mất sự tín nhiệm với giai cấp công nhân, với nhân dân, và trước sự tấn công của kẻ thù, một số đảng đi đến chia rẽ và tan rã.

Việc một bộ phận cán bộ, đảng viên vi phạm, thì chính bản thân họ đã tự đánh mất bản chất giai cấp công nhân của đảng viên, có ảnh hưởng nhất định đối với Đảng, nhưng cũng không vì thế mà quy kết là Đảng đánh mất bản chất giai cấp công nhân, và theo quy luật họ sẽ bị xử lý, kỷ luật nhằm làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Đó là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng.

 Chính vì vậy, trong những nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề liên quan đến những vấn đề cấp bách xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong điều kiện mới. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII thể hiện quyết tâm cao độ hơn nữa của toàn Đảng với Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII; bổ sung nhận thức mới, gắn kết nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời nhằm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm trong những năm qua đã được các cơ quan của Đảng và Nhà nước tiến hành nghiêm túc, bài bản, hiệu quả, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, được nhân dân và dư luận xã hội đánh giá cao.

Không che dấu khuyết điểm, nhưng cũng phải khẳng định rằng, trước những khó khăn, thách thức lớn ở trong nước, những biến động bất lợi của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, trước sự chống phá của các thế lực thù địch, Đảng ta vẫn giữ vững bản chất khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên trì đổi mới, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đại đa số cán bộ, đảng viên phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu, năng động, sáng tạo trong công tác, lao động, rèn luyện phẩm chất, năng lực có bước trưởng thành đáng kể, đóng vai trò nòng cốt, đi đầu trong công cuộc đổi mới, góp phần thành quả xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kết luận

Trong tiến trình cách mạng Việt Nam đã chứng minh và khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất cầm quyền hoàn toàn không phải là một sự sắp đặt chủ quan của một giai cấp, một lực lượng chính trị nào, mà trước hết là vì Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân và mang tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc đã đáp ứng được yêu cầu khách quan của phong trào cách mạng Việt Nam. Với mục đích cao cả phấn đấu suốt đời cho lợi ích không phải chỉ riêng giai cấp công nhân mà còn là toàn thể nhân dân lao động và cả dân tộc. Những người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là những thành viên ưu tú thuộc các giai cấp, tầng lớp thông qua quá trình giác ngộ, rèn luyện và tự nguyện vì lý tưởng cao đẹp: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tài liệu tham khảo:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 37, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[5] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[8] Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

Đọc thêm

Vững bước đi theo Chủ nghĩa Mác-Lênin là sự lựa chọn đúng đắn, tất yếu của Đảng và Dân tộc Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Thị Dung - Kiều Hưng

(GDLL) - Chủ nghĩa Mác - Lênin mãi luôn là thành tựu vĩ đại trong sự phát triển của tư duy và trí tuệ loài người về lý luận phát triển xã hội. Lý luận của học thuyết này được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển sáng tạo vào điều kiện thực tiễn cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam tiến lên hiện thực hóa khát vọng hùng cường. Bài viết khẳng định sự lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin của Đảng và dân tộc Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn; đồng thời, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin trong sự nghiệp cách mạng của Việt Nam.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong Tác phẩm “Thường thức chính trị” vào xây dựng Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I hiện nay

Tác giả: Nguyễn Vĩnh Thanh

(GDLL) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng của Người về xây dựng Đảng được thể hiện trong nhiều bài nói, bài viết, trong số đó “Thường thức chính trị” là tác phẩm nổi bật trình bày về nội dung xây dựng Đảng. Bài viết phân tích nội dung xây dựng Đảng trong tác phẩm và nêu lên những định hướng vận dụng vào công tác xây dựng Đảng tại Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp nối truyền thống tự hào, vẻ vang 70 năm hình thành và phát triển.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng - giá trị vận dụng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay

Tác giả: Lê Tuấn Vinh - Nguyễn Thị Thanh Nhàn

(GDLL) - Bài viết khái quát những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đánh giá khái quát việc thực hiện nội dung này trong công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nêu lên những vấn đề đặt ra và một số giải pháp nhằm phát huy giá trị cốt lõi này trong công tác xây dựng Đảng thời gian tới.

Phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân

Tác giả: PGS.TS. Lê Văn Cường

(TG) - Khái niệm tổ chức cơ sở đảng được gọi chung cho tất cả Đảng bộ cơ sở và chi bộ cơ sở tùy thuộc vào số lượng đảng viên và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể từng đơn vị cơ sở. Thời gian qua, nội dung phát triển tổ chức cơ sở đảng với vai trò là hạt nhân chính trị, cầu nối giữa Đảng với Nhân dân luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng: “Chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên cũng từng bước được nâng lên, trên cơ sở thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, đặc biệt là Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về vấn đề này”(1).

Nâng cao nhận thức về tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên Việt Nam hiện nay

Tác giả: Th.S Lê Đình Dương

(GDLL) - Hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức xuyên tạc nhằm phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, thực chất là phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng. Đối tượng mà chúng hướng tới là thanh niên, nhất là sinh viên, những người nhạy bén với cái mới, nhưng còn thiếu vốn sống và kinh nghiệm thực tiễn, kiến thức về chính trị - xã hội. Bài viết nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao nhận thức về tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên Việt Nam và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên về tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay.