Thứ Hai, ngày 01/04/2024, 00:53

Hành trình từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản của đồng chí Nguyễn Chí Diểu

Nguyễn Thị Minh Thùy
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

(GDLL) - Nguyễn Chí Diểu (1908-1939), một trong những đảng viên thuộc lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Cuộc đời đồng chí là tấm gương cao đẹp của người cộng sản hết lòng vì nước, vì dân. Bài viết tìm hiểu quá trình chuyển biến từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản, qua đó thấy được sự kiên định, vì nước vì dân của đồng chí.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, tặng quà cán bộ lão thành Cách mạng tại thành phố Lạng Sơn

(ảnh minh họa từ Thông tấn xã Việt Nam news.vnanet.vn)

Đặt vấn đề

Đồng chí Nguyễn Chí Diểu - một người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng chí đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc, là tấm gương mẫu mực của đạo đức cách mạng trung với nước, hiếu với dân. Đồng chí có nhiều cống hiến xuất sắc, góp phần quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cách mạng ở Trung Kỳ nói riêng và cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước nói chung. Có thể thấy quá trình đồng chí Nguyễn Chí Diểu đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa cộng sản là sự đóng góp to lớn đối với cách mạng Việt Nam.

1. Đồng chí Nguyễn Chí Diểu - Người thanh niên Việt Nam sáng ngời chủ nghĩa yêu nước

Nhân cách cao đẹp của người thanh niên yêu nước Nguyễn Chí Diểu chịu ảnh hưởng sâu sắc của gia đình có truyền thống Nho học, đặc biệt từ tấm gương người cha mẫu mực, hiền lành, đức độ. Sinh ra trong gia đình nhà Nho, vì thế, Nguyễn Chí Diểu được ông nội mình cho theo học chữ nho từ nhỏ. Tuy nhiên, năm lên mười tuổi, ông nội của Nguyễn Chí Diểu mất, cùng lúc đó, lối thi cử chữ nho cũng bị xếp lại, mấy anh em Nguyễn Chí Diểu được chuyển sang học chữ quốc ngữ.

Năm 17 tuổi, Nguyễn Chí Diểu thi đỗ vào trường Quốc học Huế. Ngôi trường bề thế này thực hiện theo nền giáo dục thực dân, trong quá trình đào tạo, trường “áp dụng một thứ kỷ luật gần giống trại lính đối với học sinh nhằm mục đích biến người đi học thành những công chức tương lai ngoan ngoãn, dễ bảo, phục vụ bộ máy cai trị thuộc địa” của thực dân Pháp. Người quản lý và đa số giáo viên của trường chủ yếu là người Pháp, họ có thái độ không coi trọng học trò bản xứ, chính vì vậy, mối quan hệ thầy trò Pháp và Việt luôn căng thẳng. Bên cạnh việc học tập, Nguyễn Chí Diểu còn tích cực tham gia hoạt động đấu tranh cách mạng sôi nổi cùng các tầng lớp nhân dân và thanh niên, học sinh, sinh viên Huế lúc bấy giờ. Thời gian học tại trường Quốc học Huế, Nguyễn Chí Diểu đã có những hoạt động tham gia tích cực trong các phong trào đấu tranh yêu nước, chống chính quyền thực dân Pháp.

Cùng trong thời điểm đó, cả nước dấy lên làn sóng đấu tranh đòi thả chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt ở Thượng Hải và đưa về Hà Nội kết án. Tại Huế, Cô giáo Trần Thị Như Mân và các nữ sinh trường nữ học Đồng Khánh làm đơn đòi thả cụ Phan. Nguyễn Chí Diểu cùng hòa vào làn sóng đấu tranh đó tham gia tích cực phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu. Do áp lực lớn mạnh của quần chúng nhân dân và những người yêu nước, thực dân Pháp buộc phải “ân xá” Phan Bội Châu và đưa về giam lỏng tại Huế vào cuối năm 1925.

Phong trào đấu tranh sôi nổi tại Huế đã có ảnh hưởng và thúc đẩy hành động của học sinh tại Quốc học Huế và một số trường tiểu học. Họ cùng nhau kéo đến nhà Phủ Doãn và Tòa Khâm sứ đòi thả cụ Phan đang bị lưu giữ ở đó, ép nhà cầm quyền phải thả cụ Phan ngay ngày hôm sau. Hiệu trưởng Quốc học Huế và những kẻ cầm đầu Tòa Khâm sứ Pháp đã tập trung chú ý vào những học sinh gây rối, trong đó có Nguyễn Chí Diểu. Chúng tìm cớ, kỷ luật và đuổi học Nguyễn Chí Diểu. Trong lần tham gia phong trào bãi khóa năm 1927, Nguyễn Chí Diểu bị đuổi học. Rời trường Quốc học, đồng chí tìm hiểu và bắt liên lạc với các nhà hoạt động cách mạng, tiếp tục tham gia các cuộc đấu tranh chống lại sự áp bức, bất công của thực dân Pháp và tay sai.

2. Sự chuyển biến về nhận thức và hành động cách mạng để trở thành người cộng sản thực thụ của đồng chí Nguyễn Chí Diểu

Trong thời gian Nguyễn Chí Diểu tham gia hoạt động tích cực ở nhóm thiếu niên thân tín của cụ Phan Bội Châu, đồng chí đã được nghe nhiều thông tin về Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Chí Diểu xúc động và tự hào khi biết Nguyễn Ái Quốc chính là học sinh cũ của trường Quốc học Huế, con cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, đã ra đi tìm đường cứu nước, qua nhiều nơi khắp các châu lục, vừa lao động kiếm sống vừa tham gia hoạt động yêu nước, hướng sự chú ý và kêu gọi sự ủng hộ của mọi người cho cuộc đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa, trong đó có cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống lại thực dân Pháp và tay sai. Cũng trong thời gian này, Nguyễn Chí Diểu và người bạn của mình là Võ Giáp (Võ Nguyễn Giáp) được tiếp cận với tờ báo Le Paria và cuốn sách “Bản án chế độ thực dân Pháp” in tại Pháp, trên bìa đề rõ tên tác giả Nguyễn Ái Quốc. Từ đây, Nguyễn Chí Diểu đến gần hơn với con đường mà Nguyễn Ái Quốc lựa chọn cho dân tộc Việt Nam - con đường cách mạng vô sản.

Sau khi rời trường Quốc học Huế, Nguyễn Chí Diểu liên lạc với thầy giáo Võ Liêm Sơn, một đảng viên Phục Việt (sau đổi thành Việt Nam Cách mạng Đảng) và nhiệt tình tham gia hoạt động cách mạng sôi nổi hơn nữa. Nguyễn Chí Diểu vừa làm nhiệm vụ tổ chức giao cho là kết nối các tổ chức vừa dành thời gian đọc sách cách mạng bằng tiếng Pháp. Những cuốn sách mà Nguyễn Chí Diểu yêu thích đọc là Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Tư bản của C.Mác, Chính trị kinh tế học của Xê gan do Nhà xuất bản Xã hội Pháp ấn hành. Ngoài ra, Nguyễn Chí Diểu còn gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà hoạt động chính trị xã hội thuộc nhiều xu hướng khác nhau để mở mang tầm mắt, xác định hướng lựa chọn của mình. Nguyễn Chí Diểu quan tâm, chú ý đến các cuộc diễn thuyết bằng tiếng Pháp của Bửu Đình, Đồng Sĩ Bình... đó là những cuộc diễn thuyết thể hiện thái độ chống Pháp rất mạnh mẽ... Những hoạt động trên giúp Nguyễn Chí Diểu trưởng thành hơn cả về lý luận và thực tiễn.

Tổ chức Việt Nam Cách mạng Đảng (sau này đổi là Tân Việt) phát triển khá nhanh trong giới trí thức, học sinh, thợ thuyền, một số công chức, quan lại và một số nông dân... tại Huế và các vùng lân cận. Trước yêu cầu phát triển mới của thực tiễn, Việt Nam Cách mạng Đảng chuyển từ Vinh vào Huế. Trong thời gian này, với những đóng góp và tinh thần nhiệt huyết đấu tranh, Nguyễn Chí Diểu được thầy Lâm Mậu kết nạp vào Đảng và sau đó được bổ sung vào ủy viên Kỳ bộ Trung Kỳ. Được tổ chức ghi nhận, đánh giá cao, Nguyễn Chí Diểu được giao đảm nhiệm các vị trí: Bí thư Tỉnh ủy Gia Định; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa đầu tiên.

Mặc dù Nguyễn Chí Diểu tham gia ủy viên Kỳ bộ Trung kỳ nhưng vẫn hoạt động cùng một tiểu tổ với Nguyễn Khoa Văn,Giáp... Đó là nhóm những thanh niên chịu ảnh hưởng mạnh bởi sách báo của Đảng Cộng sản Pháp, ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười. Thông qua hình ảnh người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Chí Diểu và những người bạn của mình đã phần nào nhận thấy rõ hơn màu sắc quốc gia khá đậm nét trong lập trường chính trị của Đảng Tân Việt, từ đó chuyển dần sang nhận thức theo khuynh hướng cộng sản chủ nghĩa. Dù đang hoạt động bí mật nhưng Nguyễn Chí Diểu vẫn có quan hệ nhất định với một số đồng chí trong tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và cũng chịu ảnh hưởng mạnh hơn về tư tưởng, chính trị của tổ chức do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp thành lập tại Quảng Châu, Trung Quốc vào tháng 6 năm 1925.

Cuối năm 1929, Nguyễn Chí Diểu được phân công vào Sài Gòn hoạt động và trực tiếp tham gia vào phong trào “vô sản hóa” ở Sài Gòn. Lúc này, nội bộ Đảng Tân Việt gặp biến động về tổ chức và tư tưởng, sự phân hóa của tổ chức Tân Việt ngày càng mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là xu hướng dân tộc cải lương bộc lộ rõ. Mặc dù, tổ chức đang gặp khó khăn, nhưng các kỳ bộ vẫn tìm cách gặp nhau để thành lập tổ chức cộng sản lấy tên Đông Dương Cộng sản Liên đoàn vào ngày 1-1-1930. Nguyễn Chí Diểu trở thành một trong những đảng viên nòng cốt của tổ chức Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Ngày 3-2-1930, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức thành công. Ngay sau đó, Đảng Cộng sản Việt Nam chấp nhận yêu cầu hợp nhất của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn vào Đảng. Hội nghị hợp nhất được tiến hành tại Sài Gòn, Nguyễn Chí Diểu trở thành đảng viên chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cũng như các phong trào đấu tranh chung trên cả nước, phong trào công nhân lao động Sài Gòn - Chợ Lớn nhờ có khí thế lãnh đạo của tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Nguyễn Chí Diểu trở thành một trong những nhà lãnh đạo cốt cán đầu tiên của Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Theo chủ trương và yêu cầu của Đảng, Nguyễn Chí Diểu đi sâu vào hoạt động trong phong trào công nhân Ba Son, Nhà Bè, Bình Tây... vận động lao động thợ thuyền, đẩy mạnh cuộc đấu tranh của công nhân đòi quyền lợi, đồng thời xây dựng các tổ chức công hội đỏ. Vai trò của Nguyễn Chí Diểu gắn với hai cuộc bãi công nổi bật của công nhân nhà máy đèn Chợ Quán và nhà máy xe lửa Dĩ An.

Tại Gia Định, sau khi Bí thư Tỉnh ủy Lê Trọng Mân bị địch bắt, Nguyễn Chí Diểu được điều về làm Bí thư thay Lê Trọng Mân, tiếp tục lãnh đạo phát triển phong trào cách mạng ở Gia Định. Với tinh thần yêu nước sâu sắc cùng những tri thức và trách nhiệm được giao, Nguyễn Chí Diểu đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng địa bàn vùng Bà Điểm - Hóc Môn giàu truyền thống yêu nước trở thành mảnh đất trung kiên của cách mạng. Vùng đất Hóc Môn - Bà Điểm về sau luôn là nơi hoạt động trọng yếu của Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam kỳ qua nhiều thời kỳ cách mạng.

Tháng 10 năm 1930, trong một lần đi công tác tại Sài Gòn, Nguyễn Chí Diểu bị kẻ thù tìm cách vây bắt, truy lùng và bắt giam đồng chí vào Khám lớn Sài Gòn. Chúng dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man như: tra điện, đổ nước xà phòng, thôi miên... nhằm uy hiếp tinh thần người cộng sản trẻ tuổi. Thực dân Pháp cố tình gán cho Nguyễn Chí Diểu tội chủ mưu vận động nông dân giết tên hương quản, từ đó vu cáo những người cộng sản là “bọn phiến loạn cướp của giết người”, lấy cớ khép Nguyễn Chí Diểu vào án trảm giam hậu. Với tinh thần cách mạng kiên cường, Nguyễn Chí Diểu kiên quyết phản đối lại sự vu khống của kẻ thù, bảo vệ uy tín và sự bí mật của Đảng đến cùng. Mặc dù bị tra tấn tàn nhẫn, kẻ thù thất bại khi tra khảo, lấy lời khai từ người cộng sản kiên trung.

Giữa năm 1933, thực dân Pháp mở phiên tòa “đại hình đặc biệt” tại Sài Gòn để xử các chiến sĩ cộng sản trong đó có Nguyễn Chí Diểu. Âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù là tạo ra một vụ án lớn về Đảng Cộng sản Đông Dương nhằm trấn áp cao trào cách mạng dấy lên từ ngày thành lập Đảng.

Nguyễn Chí Diểu bị kết án khổ sai chung thân đày ra Côn Đảo cùng nhiều chiến sĩ có mức án 5 năm tù trở lên. Mặc dù bị giam ở phòng giam banh 1 (phòng giam dành cho loại tù nguy hiểm), hàng ngày phải lãnh các việc lao động khổ sai nhọc nhằn: đập đá, lấy củi, cắt cỏ, bẩy đá, đào đất, đắp đường... nhưng Nguyễn Chí Diểu và một số đồng chí khác vẫn tìm mọi cách để xây dựng Chi bộ Đảng đầu tiên ở đây và tổ chức các cuộc đấu tranh chống lại chế độ khắc nghiệt của nhà tù đế quốc, không những thế, các chiến sĩ cách mạng còn biến nơi đây thành trường học văn hóa, lý luận để truyền bá tư tưởng chính trị cho các tù nhân trong nhà tù Côn Đảo. Tháng 8-1934, đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã tổ chức cuộc đấu tranh chống cưỡng bức lao động, đàn áp tù nhân tàn tệ của bọn cai ngục. Cuộc đấu tranh tạo nên tiếng vang lớn vào đất liền và được phản ánh một phần trên sách báo công khai lúc bấy giờ.

Tháng 6-1936, Nguyễn Chí Diểu được trả tự do, rời nhà tù Côn Đảo, vào đất liền. Theo sự phân công của Trung ương, Nguyễn Chí Diểu trở về Huế để nắm bắt lại tình hình của Đảng bộ Trung kỳ, trước đó, do bị tổn thất khá nặng sau thời kỳ khủng bố trắng của địch.

Tháng 3-1937, Nguyễn Chí Diểu và các đồng chí Phan Đăng Lưu, Lê Duẩn đã triệu tập Hội nghị cán bộ các tỉnh ở Trung Kỳ và quyết định thành lập Xứ ủy Lâm thời Trung Kỳ. Đồng chí Nguyễn Chí Diểu được cử làm Bí thư. Nhờ đó, tổ chức Đảng ở Thừa Thiên - Huế được khôi phục, kiện toàn và tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng ở Trung Kỳ phát triển.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng với lòng nhiệt tình cách mạng, đồng chí Nguyễn Chí Diểu luôn nắm bắt sát những thay đổi của tình hình thực tiễn, chỉ đạo, thúc đẩy phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân ở Trung Kỳ. Bằng công tác tổ chức chặt chẽ và kiên trì vận động, đồng chí Nguyễn Chí Diểu cùng các đồng chí khác đã góp phần tổ chức thực hiện thành công chủ trương của Đảng làm nên thắng lợi của phong trào đấu tranh dân chủ ở Trung Kỳ. Thông qua các phong trào đấu tranh, Nguyễn Chí Diểu đã tiến hành một loạt các hoạt động xây dựng Đảng, trực tiếp kết nạp thêm đảng viên mới và xây dựng các chi bộ mới của Đảng ở miền Trung. Những hoạt động sôi nổi của đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cách mạng ở Trung Kỳ. Chính vì vậy, trong Hội nghị Trung ương mở rộng họp ở Bà Điểm, Hóc Môn, đồng chí Nguyễn Chí Diểu được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương của Đảng. Đến cuối tháng 3-1938, đồng chí bí mật đi dự họp Ban Chấp hành Trung ương tại làng Tân Thới Nhất gần Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định) và đóng góp vào việc quyết định chính sách mới của Đảng, trong đó có chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất Dân chủ Đông Dương, mở ra bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam giai đoạn 1936-1939. Tại Hội nghị này, đồng chí Nguyễn Chí Diểu trở thành Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng.

Sau khi tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (3-1938) trở về, do trong người mang bệnh nặng, nên sức khỏe của Nguyễn Chí Diểu ngày càng yếu, đồng chí Nguyễn Chí Diểu trút hơi thở cuối cùng khi mới 31 tuổi.

3. Tấm gương người chiến sĩ cộng sản kiên trung Nguyễn Chí Diểu

Trong suốt giai đoạn từ trước năm 1930 đến năm 1939, đặc biệt trong phong trào dân chủ (1936-1939) thấy rõ những nỗ lực cống hiến của Nguyễn Chí Diểu cho Đảng và cách mạng Việt Nam. Những cống hiến của đồng chí không chỉ góp phần quan trọng vào xây dựng và khôi phục hoạt động cách mạng của Đảng, củng cố và phát triển phong trào cách mạng mà còn đóng góp cho Đảng những sáng tạo về phương pháp hoạt động trong những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. 

Tuổi đời cũng như quá trình tham gia hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Chí Diểu tuy không dài, nhưng trong khoảng thanh xuân tươi đẹp đó chứa đựng đầy sự nhiệt huyết và đấu tranh sôi nổi trong thời kỳ cách mạng nhiều cam go, thử thách của Đảng và Nhân dân ta. Sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của Nguyễn Chí Diểu từ ngày đầu tham gia phong trào yêu nước đến những hoạt động trong các tổ chức Việt Nam Cách mạng Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, đến gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam là sự thể hiện, phát triển, nâng cao các giá trị của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, nhất là khi được soi sáng, định hướng bởi học thuyết Mác - Lênin, hệ tư tưởng tiên tiến nhất của thời đại. Hành trình từ một người yêu nước sâu sắc đến với chủ nghĩa cộng sản của đồng chí Nguyễn Chí Diểu mặc dù phải trải qua những ngày tháng hoạt động vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng qua đó làm sáng lên phẩm chất của một người cộng sản kiên trung, sẵn sàng hy sinh quên mình vì độc lập tự do của dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân. Nguyễn Chí Diểu đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân của mình cho dân, cho nước. Cuộc đời của đồng chí đã sống hết mình cho sự nghiệp cách mạng và góp phần xây dựng nên những giá trị cao đẹp mà ngày nay các thế hệ trẻ của đất nước cần phải noi theo. Có thể thấy đồng chí là biểu tượng sáng ngời của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, tài năng, năng động và sáng tạo, luôn hết lòng vì dân, vì nước.

Kết luận

Nhìn lại thân thế và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Chí Diểu, các thế hệ trẻ ngày nay cần nhận thức sâu sắc hơn những giá trị truyền thống tốt đẹp mà ông cha ta đã xây dựng và bồi đắp lên. Không những vậy, cần phải có ý thức tự giác tiếp bước các thế hệ đi trước, làm dày lên những trang sử vẻ vang của dân tộc. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, học tập theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối cách mạng trong đó có tấm gương của đồng chí Nguyễn Chí Diểu, toàn Đảng, toàn dân đóng góp sức mình vào hoàn thành sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] Phạm Hồng Chương, Nguyễn Chí Diểu - một đảng viên cộng sản tiền bối kiên cường, Tạp chí Lý luận Chính trị, số 11-2019.

[2] Nguyễn Khoa Điềm, Đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Tạp chí Sông Hương số 358, 12-2018.

[3] Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế (2008), Lịch sử công tác Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế (1936-2005), Nxb. Thuận Hóa, Huế.

[4] Đỗ Xuân Tuất, Những hoạt động của Nguyễn Chí Diểu trên lĩnh vực báo chí trong cao trào dân chủ 1936 - 1939, Tạp chí Sông Hương số 358, 12-2018.

[5] Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (2022), Nguyễn Chí Diểu tiểu sử, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

Đọc thêm

Hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị nông sản ở An Giang hiện nay

Tác giả: Trần Văn Hiển

(GDLL) - Liên kết chuỗi giá trị nông sản là mô hình kinh tế đem lại lợi ích thiết thực cho các chủ thể tham gia và góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững trong điều kiện cạnh tranh toàn cầu. Trên cơ sở những nhận thức cơ bản về chuỗi giá trị nông sản: khái niệm, hình thức, sơ đồ, mô hình liên kết…, bài viết khái quát kết quả, vai trò của hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị nông sản và đề xuất một số giải pháp phát huy vai trò của hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị nông sản ở An Giang.

30 năm quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc (1992 - 2022): Thành tựu và triển vọng

Tác giả: NGUYỄN VĂN ĐỨC - NGUYỄN THỊ THÚY

(GDLL) - Trải qua 30 năm, quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc đã có bước phát triển toàn diện, bền vững, mang lại lợi ích cho cả hai dân tộc. Bài viết khái quát những thành tựu tốt đẹp đã gặt hái được trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc 30 năm qua (1992 - 2022) và chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại. Từ đó, đưa ra định hướng, khuyến nghị nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc lên tầm cao mới.

Phát huy vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Tác giả: PGS. TS. Phạm Ngọc Linh

(TG) - Sự phát triển nhanh chóng của các tổ chức KH&CN ngoài công lập trực thuộc LHHVN đã nâng cao vai trò của LHHVN trong việc tập hợp đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ mục tiêu CNH, HĐH đất nước. Các tổ chức KH&CN này được đánh giá là nhân tố mới ở Việt Nam trong công tác tham gia xã hội hóa các hoạt động KH&CN, GD&ĐT, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới mô hình làng thông minh

Tác giả: TS ĐỖ THỊ PHƯƠNG HOA

(LLCT) - Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra một kỷ nguyên mới trong sự phát triển của nhân loại. Chuyển đổi số trở thành xu hướng phát triển của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bài viết phân tích chủ trương về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và xây dựng làng thông minh ở nước ta, chỉ ra thực trạng một số mô hình làng thông minh hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp tăng cường chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh trong thời gian tới.

Vai trò của lực lượng dân quân tự vệ Hà Nội trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12 năm 1972

Tác giả: NGUYỄN ĐÌNH QUỲNH - LÊ TRỌNG ĐẠI

(GDLL) - Trong quá trình đấu tranh cách mạng cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Dân quân tự vệ luôn là lực lượng dự bị hùng hậu cho bộ đội chủ lực và xung kích trong lao động sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, là lực lượng nòng cốt cho xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân. Bài viết khái quát diễn biến chính của trận “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội, làm rõ vai trò quan trọng của lực lượng Dân quân tự vệ Hà Nội trong bảo vệ địa phương, địa bàn cơ sở, rút ra một số kinh nghiệm vận dụng về vai trò của lực lượng Dân quân tự vệ Hà Nội.